Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì sự tiến bộ và hạnh phúc của nhân dân. Thể dục thể thao là một trong những lĩnh vực được Người quan tâm chỉ đạo, xây dựng, phát triển ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công và trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thể dục thể thao là một công tác cách mạng”, Người đã đặt Thể dục thể thao ngang hàng với các công tác khác, như công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức, công tác văn hoá, giáo dục... Công tác Thể dục thể thao có nhiệm vụ nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc, nhằm “tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Thể thao Việt Nam, Ban văn hoá xã Định Tân tuyên truyền đến toàn thể nhân dân trong xã về vai trò và tác dụng của luyện tập Thể dục thể thao đối với sức khỏe của con người.
1. Vai trò của sức khoẻ đối với con người.
Từ thế kỷ 18, Nhà danh y lớn của Việt Nam - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã viết trong cuốn sách “Nội kim yếu chỉ” rằng: “Thể chất và tinh thần luôn luôn khang kiện mà tận hưởng hết tuổi thọ, ngoài trăm tuổi mới có thể chết”. Tư tưởng đó của ông thể hiện cách xem xét sức khoẻ của con người trong mối quan hệ hữu cơ giữa thể chất và tinh thần. Cơ thể khoẻ mạnh thì tinh thần mạnh mẽ, cả thể chất và tinh thần khoẻ mạnh thì tuổi thọ của con người cũng sẽ dài lâu.
Y học ngày nay cũng khẳng định: Sức khoẻ của con người phải là sức khoẻ của cả thể xác và tinh thần, chỉ khi nào cơ thể của con người lành mạnh, tâm hồn thoải mái thì khi đó con người mới có sức khoẻ.
Trong bài “Sức khoẻ và thể dục” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa về sức khoẻ như sau: “Sức khoẻ là khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ”. Khí huyết lưu thông giúp cho cơ thể khoẻ mạnh, không có bệnh tật, không ốm đau; Tinh thần đầy đủ sẽ giúp cho con người năng động, hăng hái; có ý chí, có nghị lực để hoàn thành tốt công việc. Người coi sức khoẻ của con người là sự thống nhất giữa thể chất và tinh thần. Thể chất lành mạnh thì tinh thần sung mãn; tinh thần hăng hái, năng động thể hiện thể chất tốt, lành mạnh. Cơ thể tốt, tinh thần tốt có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và thống nhất biện chứng với nhau. Định nghĩa về sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng hết sức súc tích rõ ràng, mang tính nhân văn sâu sắc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khoẻ có vai trò to lớn trong cuộc sống của mỗi con người, của mỗi dân tộc; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng con người mới, xã hội mới. Người nhận định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”. Sức khoẻ của con người là nhân tố cơ bản góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về thể lực trong cách mạng, đưa đến những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nhân dân ta ai cũng có sức khoẻ, ai cũng đều khoẻ mạnh. Con người có sức khoẻ thì sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn; Con người có sức khoẻ thì năng động, hoạt bát hơn trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; Con người có sức khoẻ thì trí tuệ có điều kiện phát triển phong phú hơn. Người nhận định: “Muốn lao động, sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần phải có sức khoẻ”. Sức khoẻ của con người có ảnh hưởng lớn đến tinh thần và lực lượng của toàn dân, Người nói: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một chân lý “Dân cường thì nước thịnh”. Dân cường chính là sức khoẻ của nhân dân cả về thể chất lẫn tinh thần; Nước thịnh là phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người Việt Nam ta ai cũng muốn có sức khoẻ để làm việc, để cống hiến, để hưởng thụ; ai cũng muốn đất nước thịnh vượng, giàu có, nhân dân được sống bình yên, như vậy mới có điều kiện để phát triển một cách toàn diện.
2. Vai trò của Thể dục thể thao đối với sức khoẻ của con người.
Trước kia, các Danh y nước ta cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của vận động thân thể đối với sức khoẻ con người. Tuệ Tĩnh khuyên mọi người: muốn bảo dưỡng và tăng cường sức khoẻ thì phải giữ gìn “tinh, khí, thần, tâm” và vận động thân thể thì con người mới khoẻ mạnh. Hải Thượng Lãn Ông cũng đã nói lên sự cần thiết phải vận động thân thể để có sức khoẻ như: luyện thân, luyện khí làm cho khí huyết lưu thông, chân tay cứng cáp, tinh thần thoải mái. Các nhà Sinh lý học cho rằng: nếu con người ít vận động, sao nhãng luyện tập Thể dục thể thao thì ở tuổi 30 sẽ có nguy cơ bị tổn thương ở khớp, tổn thương này tăng dần theo tuổi tác và sự suy thoái sẽ còn tăng nhanh đối với người không vận động; đồng thời, kéo theo sự già nua của cơ thể con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thể dục thể thao có tác dụng tăng cường sức đề kháng và năng lực thích ứng của cơ thể con người. Việc rèn luyện thân thể có tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh rất tích cực, lấy lại sự cân bằng âm - dương của cơ thể con người. Nếu con người không vận động, không rèn luyện thì khả năng thích nghi kém, tuổi thọ không thể kéo dài; vận động và rèn luyện là để ngày càng hoàn thiện về thể chất, nâng cao thể lực, tinh thần thoải mái… Theo Người, rèn luyện thân thể kết hợp với giữ gìn vệ sinh càng có tác dụng trong việc phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ con người. Khi cơ thể con người khoẻ mạnh thì sẽ vượt qua và đẩy lùi được bệnh tật, chống trả được vi trùng xâm nhập vào cơ thể; khi cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sung mãn thì con người sẽ thích ứng được với những điều kiện thời tiết thay đổi. Cơ thể tốt, thần kinh tốt, tinh thần tốt thì tránh được mọi bệnh tật. Chính vì vậy, Người yêu cầu: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân một phong trào thể dục vệ sinh”, và Người đã phát động trong cả nước phong trào Thể dục thể thao “khoẻ vì nước”, “vệ sinh yêu nước”.
Ngoài việc tăng cường sức đề kháng và năng lực thích ứng của cơ thể con người, Thể dục thể thao có vai trò to lớn trong việc nâng cao sức khoẻ toàn diện cho con người. Sức khoẻ toàn diện là sự phát triển đầy đủ các Tố chất thể lực như: Sức nhanh; sức mạnh; sức bền bỉ, dẻo dai và sự khéo léo. Những yếu tố này chỉ có thể đạt được nhờ luyện tập Thể dục thể thao thường xuyên. Khi con người có sức khoẻ toàn diện thì sẽ nâng cao được năng lực thể chất. Năng lực thể chất có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống, trong lao động, công tác và học tập. Có năng lực thể chất tốt sẽ giúp cho con người vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành tốt được mọi công việc & muốn có năng lực thể chất tốt, đòi hỏi con người phải có quyết tâm cao, kiên trì trong việc rèn luyện thân thể. Bản thân Người, có những lúc bị yếu mệt, nhưng Người vẫn cố gắng dậy vận động thân thể, tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng, hoặc đi bộ, tập leo núi...
Chính vì thể dục thể thao có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ con người, cho nên từ ngày giữ chức vụ Chủ tịch nước, Bác Hồ đã khuyến khích kêu gọi toàn dân rèn luyện thân thể, tập luyện thể dục thể thao. Chính Người đã khai sinh nền thể dục thể thao cách mạng, khi ký sắc lệnh thành lập Nha thể dục Trung ương nằm trong Bộ Thanh niên ngày 30/01/1946 và gần 2 tháng sau, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký tiếp sắc lệnh số 38 chỉ rõ thiết lập trong Bộ quốc gia giáo dục 1 Nha Thanh niên và Thể dục; trong đó có phòng thể dục trung ương - tiền thân của tổ chức Thể thao, sau này phát triển thành một ngành lớn mạnh. Cũng trong ngày này, Bác Hồ đã viết bài thể dục và sức khỏe, kêu gọi đồng bào cả nước hăng hái luyện tập TDTT, giữ gìn sức khỏe và Ngày đó đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Thể thao Việt Nam.
Nội dung bài viết như sau: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe. Bộ giáo dục có nhà thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe. Dân cường nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục - tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục”.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Thể thao Việt Nam, Ngày Bác Hồ viết bài “Thể dục và sức khoẻ”, kêu gọi toàn dân tập luyện Thể dục thể thao (27/3/1946 - 27/3/2025); Ban Văn hoá xã Định Tân đề nghị toàn thể nhân dân trong xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; mỗi người hãy lựa chọn cho mình ít nhất một môn thể thao phù hợp với năng khiếu, điều kiện và sức khỏe của bản thân để luyện tập, như: Thể dục dưỡng sinh, tập Bioga, đi bộ, đi xe đạp thể thao, Bóng chuyền hơi, Cầu lông, Pickleball, Võ cổ truyền … để tập luyện hàng ngày, nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.