Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học và thông minh. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. và Bác Hồ của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học như. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính từ sự học như thế mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Học tập là công việc gắn bó với con người từ bao đời nay. Có thể nói, không một bước phát triển nào của văn minh nhân loại mà không gắn với việc học. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, cách thức của việc học tập ở mỗi thời đại, mỗi xã hội cũng có những điểm khác nhau. Hiếu học, ngày xưa được xem như một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.
Thực hiện Phong trào xây dựng xã hội học tập (XHHT), đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030. Ngày 9/9/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 5201 về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024, với Chủ đề “Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời”, Tuần lễ được tổ chức từ ngày 01/10/2024 đến ngày 07/10/2024.

Việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời - một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến đọc đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên và người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa các hình thức học tập (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp,…); trong đó đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; tạo môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, qua đó khuyến khích người dân chủ động học thường xuyên, liên tục và suốt đời, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Để học tập suốt đời, chúng ta phải có quan niệm “mở” về “học tập”, trên cơ sở đó, nhận thức sâu sắc và đúng đắn về một “xã hội học tập”. “Xã hội học tập” là nơi mà mọi người đều có nhu cầu và xây dựng cho mình một kế hoạch học tập trong suốt cuộc đời của mình, là nơi có thể đáp ứng một cách tốt nhất, phù hợp nhất nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, nhằm nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Như vậy, khái niệm “học tập” phải được hiểu theo hướng “mở”, không chỉ diễn ra trong một nhà trường mà còn có thể được tổ chức ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất kỳ đối tượng nào. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời”. Cổ nhân xưa khuyên rằng: “Hãy tích cực đọc sách để mở mang tri thức, rèn luyện nhân cách. Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ thông tin tham gia các hoạt động học tập mở, miễn phí qua các khóa học trên mạng Internet... Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, đây là cơ hội để người dân tiếp cận, cập nhật, chủ động đọc sách báo mỗi ngày, khám phá tri thức, khai thác kho tàng kiến thức của nhân loại, làm giàu trí tuệ và hoàn thiện bản thân.
Nhằm thiết thực hưởng ứng thực hiện có hiệu quả Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024, Ban chỉ đạo Xây dựng XHHT xã Định Tân đề nghị các cấp học trên địa bàn xã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học và hoạt động thư viện; nhằm thu thập và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẽ về sách, văn hoá đọc, nghiên cứu khoa học,... góp phần từng bước phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học trong nhà trường.
Đề nghị các ban ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng XHHT đến đoàn viên, hội viên về ý nghĩa của việc học tập đối với việc hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân và tính cấp thiết của việc cập nhật, tiếp thu, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội; nhằm tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống;
Đề nghị toàn thể nhân dân tiếp tục học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách đọc sách, đọc sách chưa bao giờ là điều lạc hậu, cũ kỹ trong giai đoạn hiện nay; vì vậy, mỗi chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đọc và tự học, hãy luôn nhớ và làm theo lời Người căn dặn: Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc.
Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời; Học tập suốt đời là chìa khóa của sự thành công. Ban chỉ đạo xây dựng XHHT xã Định Tân đề nghị toàn thể nhân dân trong xã tham gia thực hiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2024 đạt hiệu quả cao nhất./.