Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin điện tử xã Định Tân, Huyện Yên Định như thế nào?
143 người đã bình chọn
3 người đang online

ĐỊNH TÂN VỚI BỀ DÀY LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

100%

Định Tân là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, nơi đây vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Trong kháng chiến chống Mỹ, Định Tân là địa bàn chiến lược nằm trong vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, là nơi dừng chân và tập kết của các đơn vị bộ đội từ Bắc hành quân vào Nam chiến đấu.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân dân Định Tân đã cùng với nhân dân trong huyện, trong tỉnh và nhân dân cả nước anh dũng đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai để bảo vệ quê hương, mưu cầu sự bình yên cuộc sống. Tinh thần đó đã được hun đúc qua nhiều thế hệ người Định Tân, trở thành bản sắc riêng của vùng đất Định Tân anh hùng. Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân Định Tân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Không những anh dũng, kiên cường trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà từ xa xưa, nhân dân Định Tân đã có tiềm thức trong phát triển kinh tế, cần cù sáng tạo trong lao động, quyết tâm vượt lên đói, nghèo, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cách đây hàng trăm năm, bên cạnh việc trồng cây lương thực như­: lúa, ngô, khoai… Ng­ười dân Định Tân còn trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải; một bộ phận khác đã biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của một tụ điểm về giao thông để làm ăn buôn bán và mở mang các ngành nghề, dịch vụ, đặc biệt là nhân dân sinh sống, buôn bán quanh khu vực chợ Hoành, chợ Hôm ngày nay.

Đến nay, nhân dân Định Tân vẫn gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống như: nghề làm bánh đa, đậu phụ, giò chả… Sản phẩm bánh đa, đậu phụ làng Hoành, xã Định Tân ngày nay đã nổi tiếng khắp vùng, hương vị thơm ngon đặc biệt của bánh đa, đậu phụ làng Hoành đã trở thành thương hiệu để giới thiệu với bạn bè gần xa.

Một trong những truyền thống có từ lâu đời của người dân Định Tân, đó là truyền thống hiếu học, với ý thức vươn lên không cam phận nghèo nàn, lạc hậu; các thế hệ người Định Tân thường xuyên nổ lực phấn đấu, ra sức học tập, rèn đức, luyện tài … Chính vì vậy mà ở thời đại nào cũng có người học rộng, tài cao, vừa làm rạng danh cho gia đình, dòng họ, vừa giúp ích cho quê hương, đất nước.

Bên cạnh truyền thống hiếu học, người dân Định Tân còn hết sức coi trọng, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc như: tính cố kết cộng đồng, các phong tục, tập quán tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”; các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng … Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, những dấu tích văn hóa vẫn còn lưu giữ được ở Định Tân từ các di tích lịch sử văn hóa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây chính là những minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa và truyền thống lịch sử của người dân nơi đây.

Di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền làng Yên Hoành

Đình Làng Yên Hoành, xã Định Tân

Khu di tích Đình - Đền Yên Hoành tọa lạc trên một thân đất cao theo hướng Đông Nam ở trung tâm làng Yên Hoành và cách đê sông Mã vài trăm mét. Thế đất của di tích rất đặc biệt, tiền án là một gò núi thấp, bên tả là dòng sông Mã như hình rồng uốn lượn, bên hữu là núi Bạch Hổ, xung quanh có dân cư quây quần. Hiện tại, di tích nằm ở thửa đất số 172 (bản đồ 299) với diện tích 5.724,7m2.

Đình - Đền Yên Hoành là nơi thờ tự đức Thánh Mẫu Phương Hoa (Người có công lập nên trang ấp) và các quận công, tiến sĩ, cử nhân thời Lê, thời Nguyễn.

Theo bản thần phả ở Đền Yên Hoành và sự truyền tụng của nhân dân trong làng thì Phương Hoa là một nàng công chúa của vua Trần. Một hôm, Bà cùng với hai nàng hầu đi thuyền ngược sông Mã, đến khu đất này thì Bà và hai nàng hầu cho dừng thuyền để lên bờ nghỉ ngơi, vãn cảnh, xem xét thấy đất đai nơi này phì nhiêu, màu mỡ. Công chúa Phương Hoa đã quyết định ở lại để mộ dân, khai hoang và lập nên trang ấp; lúc mới ban đầu, Bà cho dựng một nhà tre 3 gian để làm nơi tá túc, sau khi chiêu mộ được 36 thuộc hạ, Bà chia ra hai khu vực để khai phá; 18 người họ Nguyễn và họ Trần khai phá ở khu vực làng Hoành, 18 người họ Trịnh và họ Hoàng khai phá ở khu vực làng Hổ (ngày nay).

Đến ngày 12 tháng 4 năm Bính Ngọ, thấy dân ở hai trang ấp của mình đã làm ăn ổn định, con cái đông vui, Bà cùng hai nàng hầu tạm chia tay với mọi người để về thăm quê hương bản quán. Tất cả đồ đạc, tư trang, nhà cửa đều để lại cho mọi người cai quản.

Ngày lại ngày, chờ hết năm này qua năm khác mà dân làng vẫn không thấy Bà và hai nàng hầu quay trở lại, nhân dân hai làng hết sức nhớ thương. Để tưởng nhớ công đức cao dầy với người có công gây dựng nên trang ấp, làng xóm; nhân dân Yên Hoành và Hổ Thôn quyết định quyên góp để lập một ngôi đền thờ Bà ở ngay chỗ dựng ngôi nhà tre 3 gian đầu tiên khi Bà mới đến để thờ phụng và khói hương mãi mãi. Dân làng còn thống nhất lấy ngày 12 tháng 4 âm lịch hàng năm làm ngày tôn hương thờ cúng Bà, và đó cũng là dịp để hai làng Hoành - Hổ gặp mặt đông đủ để giữ trọn lời thề huynh đệ kết nghĩa cùng nhau.

Trải qua nhiều thế kỷ, từ thời Trần - Lê - Nguyễn, các triều đình phong kiến đã ban tặng cho Bà tới vài chục sắc phong, nhưng hiện nay cũng chỉ còn giữ được 3 đạo sắc thời Nguyễn.

- Sắc phong 1 ghi: Vậy lang năng chứng hiển ứng cương ca phổ tế, cảnh phúc dồn hỷ, hồng gia phụng, kim gia tăng linh phù dực bảo trung hưng, đạo vuông, cung tần, thái phi, trinh từ, công ẩn, công chúa.

- Sắc phong 2 ghi: Trinh phục thung dung, sống hanh hạnh đức, đôn chính đoan từ, hào hoành hiệp thuận, minh trí tỉnh uyên, thổn uyên Phương Anh, phu nhân, dực bảo trung hưng, tôn phù, nhân thần.

- Sắc phong 3 ghi: Phương Hoa, trinh thục, Phương Dung, ý hạnh, lãnh đức, thuần chính đoan từ, đôn hạnh, hiệp thuận, minh khiết, tỉnh uyên, nhân uyên, Phương Anh, trương huy. Thượng đẳng thần.

Như vậy, Phương Hoa công chúa đã trở thành thần hoàng chung của cả hai làng Yên Hoành và Hổ Thôn. Việc thờ phụng người có công khai sáng ra trang ấp, làng xóm như làng Yên Hoành và Hổ Thôn và phối thờ các tướng văn, tướng võ, các cử nhân, tiến sĩ ở các triều đại khi mất đi chính là sự thể hiện một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, là tư tưởng nhớ về cội nguồn và biết ơn sâu sắc đối với người có công với làng, với nước.

Về kiến trúc: Đình - Đền Yên Hoành xưa kia là một kiến trúc hoàn chỉnh, với các hạng mục công trình như: nhà Tiền Đường, Trung Đường, Chính Tẩm, cổng Nghinh môn, ao Quỳnh… và được kiến trúc theo hình chữ đinh, công trình được xây dựng rất công phu, các họa tiết, hoa văn được trạm khắc rất tinh xảo, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh rất đỗi linh thiêng của nhân dân trong làng, trong xã và du khách thập phương. Song, trãi qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử và những năm tháng chiến tranh ác liệt, khu Đình - Đền Yên Hoành xưa đã bị sụp đổ và phá dỡ  từ thập kỷ 40, 50 của thế kỷ XX.

Với ý nghĩa và giá trị của di tích, ngày 08 tháng 3 năm 1996, Đình - Đền Yên Hoành đã được Sở VH&TT xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Sau khi được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy - Chính quyền địa phương và các ngành có liên quan, sự quan tâm của các bác, các anh, các chị là con em của làng ra đi thành đạt, cùng với sự cố gắng của nhân dân trong làng. Khu di tích Đình - Đền Yên Hoành đã được tôn tạo, xây dựng lại rất khang trang theo kiểu kiến trúc xưa, bao gồm:

- Nhà tiền đường;

- Nhà trung đường;

- Nhà Chính tẩm;

- Nhà tả vu, hữu vu;

- Cổng tam quan.

Khuôn viên kiến trúc: sân, cổng, ao quỳnh, vườn sinh thái, tường bao đã tạo thành một thế liên hoàn, hài hòa và cân đối. Giờ đây, khu di tích Đình - Đền Yên Hoành đã trở thành một cảnh trí hấp dẫn ở trong làng, trong xã nói riêng và trong huyện, trong tỉnh nói chung.

Di tích lịch sử văn hóa Đình - Bia ký làng Yên Định

Đình Làng Yên Định, Xã Định Tân

Địa điểm Đình-Bia ký làng Yên Định được tọa lạc ngay trên một khu đất cao ở đầu làng, với diện tích 2.440m2, khu vực này có vị thế rất đẹp, phía trước là núi Quy sơn, phía ngoài khuôn viên di tích là công viên cây xanh, hồ sinh thái.

Đình-Bia ký làng Yên Định là một kiến trúc hoàn chỉnh với Nghênh môn, Bái Đình, non bộ giả sơn, Đình trung và Hậu cung. Toàn bộ các công trình trên đều có hướng quy chuẩn chính Nam. Đình - Bia ký làng Yên Định được lập nên để thờ Thần Hoàng làng “Oanh liệt Thiên Hỏa lôi công” và phối thờ đức Thánh Trần, Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao và các vị tiên hiền của làng, xã.

Theo truyền thuyết kể lại rằng: Thần húy là Thiên Hỏa lôi công, dân làng tôn vinh là Đức Thánh cả. Vào một đêm trăng sao, khi già trẻ, gái trai đang tụ tập ở khu vực đầu làng. Bỗng nhiên mây mù kéo đến, sấm chớp nổi lên, mưa trút xuống làm lay động trời đất. Mọi người thấy vậy đều chạy tán loạn. Nhưng trong lúc đang náo động, người ta nhìn thấy một đốm lửa dần dần sà xuống, càng xuống gần hình dáng càng kỳ dị. Khi xuống gần tới mặt đất thấy thân mình đốm lửa tách làm đôi, tạo nên âm thanh lớn. Một nửa bay vụt về đầu làng Yên Định nổ tung trên một đám đất, nửa kia bay về làng Đồng Phang (xã Định Hòa), là quê hương của bà Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao và cũng nổ như làng Yên Định, chỉ khác trong tiếng nổ thấy có hiện lên một bóng hình tựa như nửa thân người. Khi đất trời trở nên phong quang, dân làng Yên Định ra xem thấy trên vị trí đám lửa nổ có một lỗ thủng, dân làng cho là điềm trời đất sai thần xuống cứu thế liền lập đền thờ. Làng Yên Định tôn phong mỹ hiệu của Thần là Oanh liệt Thiên Hỏa lôi công, còn làng Đồng Phang tôn phong mỹ hiệu cho Thần là Thiên Lôi Độc Cước.

Thần là một bậc Thiên Thần, được người dân truyền lại rất mực linh ứng, qua các lần dân làng bị thiên tai hạn ách. Thần đã hiển linh giúp dân trừ ác, trừ tà; giúp dân tránh khỏi lũ lụt hạn hán. Dưới các triều phong kiến, Thần được bao phong mỹ tự giữ Quốc đồng hưu, Oanh liệt Thiên Hỏa lôi công thượng đẳng tối linh thần đại vương và được ban phong tiền công hương hỏa vào các kỳ lễ quốc tế.

Đình thờ Thần Oanh liệt Thiên Hỏa lôi công được xây dựng từ thời nhà Lý, sau khi báo hiệu Thiên giáng vào khoảng trên dưới 1.000 năm, thể hiện qua hai câu đối trong Chính Tẩm được lưu truyền đến ngày hôm nay, đó là:

Thiên giáng Anh linh hiển hách Lý Trần nhi hậu

Địa chung tụ khí thanh cao mã hạc chi gian

          Tạm dịch:

Trời giáng anh hào linh thiêng hiển hách thuở Lý Trần về trước

Đất hun khí xuân đẹp thanh cao khoảng sông Mã hạc thành

Tại khu di tích Đình - Bia ký làng Yên Định còn có hai tấm bia ghi tên tuổi những người đỗ đạt làm quan trong làng. Theo tấm bia “Yên Định xã tiên hiền bia ký” ghi tên những người đỗ đạt làm quan trong làng (bia cao 1,25m, rộng 0,8m, dày 0,1m dựng trên một bệ đá có kích thước cao 0,28m, dày 0,38m, rộng 0,86m. Trán bia khắc hình lược tam sơn, phía giữa trán trạm hình lưỡng long trầu nhật mây, viền khắc hoa cúc leo. Bia hai mặt, mặt trước khắc nội dung, mặt sau khắc niên đại. Tạo năm Tự Đức thứ 12 (1859) do tú tài Trịnh Duy Hàn ghi, Trịnh Văn Hoản viết. Nội dung văn bia như sau:

Xưa kia các bậc tiên hiền trong làng khi mất thì được thờ tự ở xã, mà được thờ tự ở xã thì phải ghi chép rõ ràng tên gọi. Văn hội từ chỉ xã ta đã có từ lâu, vào các kỳ xuân thu hai kỳ tế lễ long trọng, các bậc tiên thánh, thiên sư. Việc này do các bậc tiền bối đời trước lấy cái nghĩ mà nêu lên vậy. Hai bên có phụng thờ các hiền khanh công như bia ghi chép, các bậc tiên hiền nghe biết như vậy. Năm nay vào mùa xuân văn hội, có đông đảo các bậc cao tuổi cùng bàn bạc rằng những vị tiên sinh trong làng ta, sự nghiệp quan trước sau nổi tiến. Trăm đời sau vẫn được xét khi tên tuổi các bậc hiền tài, đủ để cho đời sau con cháu được hứng khởi, khó có thể quên được. Các bậc quân tử thời xưa đã bàn luận những điều tốt đẹp rõ ràng, ghi chép những điều tốt đẹp mà không truyền là điều sĩ nhục vậy. Đã sĩ nhục thì còn gì xấu hổ bằng…

Huấn đạo Trịnh Thúc, cử nhân Trịnh Trí Viễn lĩnh hội ý kiến đó, bàn bạc thống nhất và tìm tới những điều trước ghi vào một phiến đá bền vững muôn thuở như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu. Từ nay về sau đều thấy cẩn thận ghi chép ở bia này.

1. Ông Hoàng Tiên Sinh, tự là Đình làm công khoa cấp tự trung, tước Quế Dương Bá.

2. Ông Đỗ Tiên Sinh, tự là Văn Hàm làm quan chức Thái Bộc tự khanh, tước Vân Dương Bá.

3. Ông Đỗ Tiên Sinh, tự là Thông làm quan chức Tham Nghị, tước Lương Bật Tử.

4. Ông Nguyễn Tiên Sinh, tên là Hội làm quan chức Tri huyện.

5. Ông Lê Tiên Sinh, tên tự là Chính làm Giám Sinh.

6. Ông Lê Tiên Sinh, tự Công Quế là Giám Sinh.

7. Ông Trịnh Tiên Sinh, tự Công Đạo là Giám Sinh.

          Ngày 16 tháng 4 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859)

Người ghi là tú tài Trịnh Duy Hàn

Người viết là tú tài Trịnh Văn Hoản

Như vậy, Đình - Bia ký làng Yên Định là nơi phối thờ thần, trong đó Vị thần chủ của làng là “Oanh liệt Thiên Hỏa lôi công”, ngoài ra những vị tiên hiền cũng được làng phối thờ tại Đình.

Di tích lịch sử Đình làng Kênh

Đình Làng Kênh, Xã Định Tân

Đình làng Kênh được tọa lạc ở một thân đất cao theo hướng Đông-Nam của làng, cách đê sông Mã khoảng 400m về phía đông. Hiện tại Đình làng Kênh nằm trên thửa đất số 499,500 thuộc tờ bản đồ số 09, bản đồ quản lý ruộng đất xã Định Tân, với tổng diện tích là 2. 966,3m2.

Đình Làng Kênh, xã Định Tân

Đình làng Kênh xưa kia là một kiến trúc hoàn chỉnh với các hạng mục công trình như: cổng Nghinh môn, sân đình, nhà Tiền đường, sân Thiên tỉnh, Trung đường, Hậu cung (kết cấu tiền Nhất hậu Đinh) và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần qua các triều đại phong kiến. Đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của dân làng; đồng thời đình còn thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước làm Thành Hoàng làng, đó là các nhân vật: Quản gia Đô Bác Đại Vương, Nguyệt Nga công chúa; phối thờ Tả Tư mã, thái phó nguyên Quận Công Trịnh Tướng Công, tên thụy là Tuyên Hòa và bà Quận phu nhân Trịnh Thị Ngọc Kiến. Họ là những người có công đức với đất nước, với nhân dân, được triều đình cho phép nhân dân thờ cúng, may được âm trợ phù giúp cho sự bình yên trong đời sống sinh hoạt thường nhật của họ.

Trãi qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, ngôi Đình đã bị xuống cấp và bị tháo dỡ, chỉ còn lại hai tấm bia: Lập tự bia ký và Bia văn hội, một bia ghi chép về công lao của bà phu nhân Trịnh Thị Ngọc Kiến trong việc trùng tu ngôi đình và một bia ghi chép về hoạt động của văn hội, và một số di vật cổ như: chân tảng, Thượng lương cổ (trên thượng lương ghi rõ ngôi Đình được trùng tu tôn tạo vào năm thứ 17 Hoàng triều Thành Thái), giếng làng, chân cắm đế lọng. Từ những di vật quý giá này đã giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu lịch sử của Đình làng cũng như lịch sử vùng đất nơi đây.

Căn cứ từ những tư liệu, hiện vật cổ được nhân dân trong làng lưu giữ lại, cuối năm 2010, đầu năm 2011, UBND xã Định Tân đã đề nghị các cấp có thẩm quyền lập hồ sơ khảo sát để xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Đình làng Kênh. Sau một thời gian được Ban Quản lý Di tích-Danh thắng Thanh Hóa khảo sát lập hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định. Tháng 8 năm 2011, Đình làng Kênh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Sau khi Đình làng Kênh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh. Năm 2012, được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành cấp trên và các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm công đức, cùng với sự cố gắng của nhân dân trong làng, Đình làng Kênh được xây dựng mới bằng bê tông  với kiến trúc dạng mái cong, lợp ngói vẩy, bao gồm các hạng mục: Trung điện, Chính tẩm, tả vu, hữu vu, sân đình, cổng đình. Tuy nhiên, về kiến trúc ngôi Đình chưa được bề thế và đúng quy cách, nhưng cũng đã đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân dân trong làng, trong xã. Bên trong là nơi thờ cúng các vị thần, bên ngoài là nơi cho nhân dân trong làng sinh hoạt văn hóa, góp phần phát huy những di tích cổ còn lại ở địa phương vào công tác giáo dục nền văn hóa truyền thống cho lớp lớp thế hệ trẻ trên địa bàn.

Chùa Yên Hoành, xã Định Tân

Chùa Yên Hoành, Xã Định Tân

Chùa Yên Hoành (tên chữ là “An Khánh Tự). Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi thấp ven bờ hữu ngạn sông Mã. Theo khảo cứu thì chùa được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII). Chùa được xây dựng trên núi Trúc Lĩnh xưa, tên nôm là Núi Chùa, ngõ đến chùa cũng được gọi là ngõ Chùa, còn khu đất mà vị Tiến sĩ hành khiển Lê Vĩnh Thái hiến tặng cho chùa sau đó cũng được gọi là vườn Chùa. Và việc Tiến sĩ hành khiển Lê Vĩnh Thái - Vị quan “văn, võ song toàn” cuối thời hậu lê (thế kỷ XVIII)  hiến tặng đất cho chùa chính là bằng chứng để nói ngôi chùa đã có từ thời Lê.

Là ngôi chùa cổ - chùa An Khánh cùng với núi chùa, sông Mã đã hợp thành một cảnh trí thiên nhiên rất hữu tình, thơ mộng, người dân gần xa trong vùng đều đến đây để tụng kinh, niệm phật. Nhưng rất tiếc là khi thực dân Pháp đóng đồn ở đây (từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX) thì chùa đã bị phá, để lại sự nuối tiếc của cả làng sau đó.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân trong làng và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Năm 2014, bà Phạm Thị Tính - Người con của làng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã tự nguyện đứng ra chủ trì vận động những người có lòng hảo tâm cùng đóng góp tinh thần, vật chất để xây dựng lại ngôi chùa. Chỉ sau một năm tích cực vận động quyên góp và thiết kế thi công, đến năm 2015 những hạng mục chính yếu của chùa (gồm cả kiến trúc nội, ngoại thất) như: cổng Tam Quan, tòa Tam Bảo, nhà Tăng cùng đầy đủ tượng pháp, đại tự, câu đối … được tạo tác bằng gỗ mít mang phong cách nghệ thuật truyền thống tiêu biểu đã được hoàn thành. Ở khuôn viên chùa còn được xây tháp Cửu phẩm và đặt pho tượng Bồ tát Quan thế âm lộ thiên bằng đá trắng, làm cho chùa tăng thêm vẻ linh thiêng, huyền diệu.

Ngày 26/7/2015 (tức ngày 11 tháng 6 năm Ất Mùi), chùa Yên Hoành chính thức được khánh thành. Từ đây, tiếng chuông chùa hàng ngày lại được ngân vang, để mọi người trong làng, ngoài xã được thả hồn vào ước vọng tâm linh một cách an lành, hạnh phúc.

Tháp cửu phẩm, chùa Yên Hoành, Xã Định Tân

Phật quan âm lộ thiên tại chùa Yên Hoành, Xã Định Tân

                          Tượng bồ tát Quan thế âm lộ thiên chùa Yên Hoành

Người thực hiện: Lê Thị Phương - Công chức VH-XH xã Định Tân

°